Benzylthiouracil

Tên chung quốc tế:  Benzylthiouracil

Mã ATC: H03B A03

Loại thuốc: Thuốc kháng giáp, dẫn chất thiouracil

Dạng thuốc và hàm lượng: Viên nén 25 mg.

Dược lý và cơ chế tác dụng

Benzylthiouracil là thuốc kháng giáp tổng hợp, thuộc dẫn chất thiouracil. Thuốc ức chế tổng hợp hormon giáp nhờ ngăn cản quá trình gắn iod vào gốc tyrosyl của thyroglobulin và cũng ức chế sự kết hợp hai gốc iodotyrosyl thành iodothyronin. Ngoài ra, benzylthiouracil còn ức chế khử iod của thyroxin thành triiodothyronin ở ngoại vi (tác dụng của triiodothyronin mạnh hơn nhiều so với thyroxin), nên về lý thuyết, thuốc này có tác dụng hơn thiamazol trong điều trị cơn nhiễm độc giáp.

Benzylthiouracil không ức chế tác dụng của hormon giáp đã hình thành trong tuyến giáp hoặc có trong tuần hoàn, cũng không ảnh hưởng đến hiệu quả của hormon giáp đưa từ ngoài vào. Do đó, benzylthiouracil không có tác dụng trong nhiễm độc giáp do dùng quá liều hormon giáp.

Nếu tuyến giáp đã có một nồng độ iod tương đối cao (do dùng iod từ trước hoặc do dùng iod phóng xạ trong chẩn đoán), thì cơ thể có thể sẽ đáp ứng chậm với benzylthiouracil.

Nếu dùng benzylthiouracil liều quá cao và thời gian dùng quá dài, sẽ dễ gây giảm năng tuyến giáp. Nồng độ hormon giáp giảm làm cho tuyến yên tăng tiết TSH (Thyreo-Stimulating Hormone). TSH kích thích lại sự phát triển tuyến giáp, có thể gây ra bướu giáp. Để tránh hiện tượng này, khi chức năng tuyến giáp đã trở về bình thường, phải dùng liều thấp vừa phải, để chỉ ức chế sản xuất hormon giáp ở một mức độ nhất định, hoặc kết hợp dùng hormon giáp tổng hợp như levothyroxin để tuyến yên không tăng tiết TSH.

Dược động học

Benzylthiouracil hấp thu qua đường tiêu hoá 20 – 30 phút sau khi uống. Nửa đời của thuốc trong huyết tương khoảng 2 giờ.

Benzylthiouracil liên kết mạnh với protein trong huyết tương và tập trung nhiều vào tuyến giáp. Thuốc qua được hàng rào nhau thai và tiết được vào sữa mẹ, nhưng ít hơn nhiều so với thiamazol.

Thuốc và các chất chuyển hoá được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu.

Chỉ định

Cường giáp, kể cả bệnh Graves-Basedow.

Chuẩn bị trước khi phẫu thuật cắt tuyến giáp cường chức năng.

Điều trị bổ trợ trước và trong khi dùng liệu pháp iod phóng xạ.

Cơn nhiễm độc giáp cấp (hoặc cơn bão giáp trạng) cùng với các biện pháp điều trị khác.

Chống chỉ định

Ung thư tuyến giáp phụ thuộc TSH.

Đang có suy tuỷ, mất bạch cầu hạt.

Suy gan nặng.

Mẫn cảm với benzylthiouracil hoặc các thiouracil kháng giáp khác.

Loạn chuyển hoá porphyrin (còn có ý kiến chưa thống nhất).

Thận trọng

Phải có thày thuốc chuyên khoa chỉ định điều trị và theo dõi trong quá trình điều trị.

Phải hết sức thận trọng khi dùng benzylthiouracil cho người đang điều trị các thuốc được biết là dễ gây mất bạch cầu hạt.

Cần xét nghiệm số lượng bạch cầu và công thức bạch cầu trước khi điều trị và định kỳ hàng tuần trong 6 tháng đầu điều trị, vì có thể xảy ra giảm bạch cầu, suy tuỷ, nhất là người bệnh cao tuổi dùng liều từ 40 mg một ngày trở lên.

Phải xác định thời gian prothrombin trước và trong quá trình điều trị, nếu thấy có xuất huyết, đặc biệt là trước phẫu thuật.

Thời kỳ mang thai

Benzylthiouracil đi qua được hàng rào rau thai, nhưng với tỷ lệ thấp hơn so với thiamazol. Mặt khác, tuyến giáp của thai hình thành rất sớm, nhưng đến tuần 12 của thai kỳ mới bắt đầu gắn iod. Do đó, có thể cho người mẹ mang thai dùng thuốc đến tháng thứ ba của thai kỳ.

Từ tháng thứ ba, có thể dùng liều thấp, vì tình trạng cường giáp thường giảm trong thời kỳ thai đang phát triển. Dùng thuốc liều có tác dụng thấp nhất, tỷ lệ thuốc vào thai ít, nên có thể không ảnh hưởng đến thai. Trước khi sinh vài tuần, có thể ngừng thuốc.

Thời kỳ cho con bú

Benzylthiouracil bài tiết được vào sữa mẹ, nhưng ít hơn so với thiamazol. Mẹ dùng liều thấp và để 4 giờ sau khi uống thuốc mới cho con bú, chưa thấy tác hại cho trẻ. Cẩn thận hơn,  thì không cho con bú trong suốt thời kỳ mẹ dùng thuốc này.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Thường gặp, ADR >1/100

Máu: Giảm bạch cầu.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Máu: Mất bạch cầu hạt (0,2 – 0,7%) hoặc suy tuỷ, có thể gây ra sốt, ớn lạnh, viêm họng hoặc nhiễm khuẩn; xuất huyết do giảm prothrombin.

Da: Dị ứng, ban da, ngứa, rụng tóc, thường mất đi trong quá trình điều trị. Nhưng ban da cũng có thể là do viêm mạch.

Cơ khớp: Đau khớp, viêm khớp, đau cơ.

Thần kinh: Nhức đầu, sốt, dị cảm, viêm dây thần kinh.

Chuyển hoá: Tăng thể tích bướu giáp, suy năng giáp, thường là do dùng liều cao.

Hiếm gặp, ADR <1/1000

Gan: Viêm gan, vàng da.

Thận: Viêm thận.

Phổi: Viêm phổi kẽ.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Khi bệnh nhân thấy viêm họng, nhiễm khuẩn, ban da, sốt, ớn lạnh, có thể là do giảm bạch cầu hạt, phải đến thày thuốc kiểm tra huyết học. Nếu thấy mất bạch cầu hạt, suy tuỷ, phải ngừng điều trị và được chăm sóc, điều trị triệu chứng và có thể phải truyền máu.

Vàng da ứ mật, viêm gan, hoại tử gan rất hiếm gặp, nhưng đã thấy có trường hợp tử vong. Vì vậy, phải ngừng thuốc ngay.

Ban da, mày đay, dị ứng, ngứa, rụng tóc, thường tự khỏi và không cần ngừng thuốc. Nếu cần, có thể dùng thuốc kháng histamin. Nếu nặng, phải ngừng thuốc.

Khi trạng thái tuyến giáp đã trở về bình thường, đặc biệt là khi thấy tăng thể tích bướu giáp, giảm năng giáp hoặc tăng TSH, phải giảm liều benzylthiouracil và dùng thêm levothyroxin.

Liều lượng và cách dùng

Khởi đầu cho người lớn, dùng liều tấn công, 150 – 200 mg mỗi ngày. Sau 2 – 4 tuần, khi có cải thiện về lâm sàng và xét nghiệm chức năng tuyến giáp trở về bình thường, phải điều chỉnh liều giảm dần trong thời gian 3 – 4 tháng, đến liều duy trì, thường là 100 mg mỗi ngày. Chia liều mỗi ngày ra làm 3 lần, uống vào các bữa ăn. Thời gian dùng thuốc trong vòng 12 – 18 tháng, tối đa là 24 tháng.

Việc điều chỉnh để được liều duy trì rất quan trọng. Nếu dùng liều duy trì thấp quá, cường giáp sẽ xuất hiện trở lại hoặc nặng lên; nếu dùng liều duy trì cao quá dễ dẫn đến giảm năng giáp, mà biểu hiện là tăng thể tích bướu giáp, tăng TSH.

Một phác đồ điều trị khác chia ra 2 pha:

Pha 1: Dùng 150 – 200 mg benzylthiouracil mỗi ngày (chia ra 3 lần uống vào các bữa ăn) cho đến khi thấy có giảm năng giáp (thường sau khoảng 6 tuần).

Pha 2: Tiếp tục dùng benzylthiouracil liều như trên, nhưng phối hợp với levothyroxin để giữ cho chức năng tuyến giáp bình thường. Sau đó giảm dần liều benzylthiouracil cho đến tháng thứ 12 và vẫn dùng levothyroxin. Cả 2 thuốc dùng tiếp thêm 6 – 8 tháng nữa rồi ngừng.

Trong cường giáp, nhịp tim thường nhanh, có thể kết hợp dùng thuốc chẹn beta như propranolol đến khi hết nhịp nhanh.

Tương tác thuốc

Với các thuốc cũng liên kết mạnh với protein huyết tương như sulfamid hạ glucose huyết, hydantoin sẽ làm tăng tác dụng kháng giáp của benzylthiouracil.

Với thuốc chống đông dẫn chất coumarin: Benzylthiouracil có thể làm giảm prothrombin huyết, nên làm tăng tác dụng của các thuốc chống đông uống. Do đó, cần điều chỉnh liều thuốc chống đông dựa vào thời gian prothrombin.

Phối hợp với các thuốc cũng có thể gây suy tuỷ sẽ làm tăng nguy cơ suy tuỷ, giảm bạch cầu; cần hết sức thận trọng khi phối hợp.

Độ ổn định và bảo quản

Viên nén benzylthiouracil được để trong đồ bao gói kín, bảo quản ở nhiệt độ thường 15 – 30oC, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Thời gian bảo quản được 5 năm kể từ ngày sản xuất.

Tương kỵ

Chưa thấy có tài liệu nêu tương kỵ của benzylthiouracil.

Quá liều và xử trí

Dùng quá liều benzylthiouracil sẽ gây ra các tai biến như phần tác dụng không mong muốn đã nêu, nhưng mức độ nặng hơn. Nghiêm trọng nhất là suy tuỷ, mất bạch cầu hạt.

Nếu mới xảy ra dùng thuốc quá liều, phải gây nôn hoặc rửa dạ dày. Nếu bệnh nhân hôn mê, lên cơn co giật hoặc không có phản xạ nôn, chỉ rửa dạ dày sau khi đã đặt nội khí quản có bóng chèn để tránh hít phải các chất chứa trong dạ dày. Cần chăm sóc, điều trị triệu chứng, như dùng thuốc giảm đau, an thần. Nếu cần, có thể phải dùng kháng sinh hoặc corticoid, truyền máu nếu suy tuỷ và giảm bạch cầu nặng.

Nguồn: Dược  Thư 2002

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Facebook
Chat Zalo
Hotline: 0973693967