Thuốc chữa bệnh ngoài da

thuoc chua benh ngoai da

Hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại thuốc bôi phối hợp với thành phần chủ yếu bao gồm một loại corticoid, một loại kháng sinh và một loại thuốc chống nấm. Nói chung, nên hạn chế tối đa việc sử dụng các thuốc này trong thực tế, vì trong nhiều trường hợp, các thành phần trong thuốc có thể cản trở hiệu quả của nhau. Ví dụ, trong trường hợp nấm da, các chế phẩm có chứa corticoid sẽ làm bệnh nặng thêm và giảm hiệu quả của thuốc chống nấm. Khi gặp các vấn đề về da, người bệnh không tự ý mua thuốc bôi, hãy đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị

Thuốc chống nấm

1. Ketoconazole, Clotrimazol

Ketoconazol là thuốc chống nấm có phổ rộng, tác dụng trên nhiều loại nấm gây bệnh như Candida spp, Blastomyces dermatitidis, Coccidioides immitis, Epidermophyton floccosum, Histoplasma capsulatum, ……

Clotrimazol là thuốc chống nấm phổ rộng được dùng điều trị các trường hợp bệnh ngoài da do nhiễm các loài nấm gây bệnh khác nhau và cũng có tác dụng trên Trichomonas, Staphylococcus và Bacteroides. Dùng đơn độc hoặc phối hợp với một số thuốc khác như: betamethason (Lotriderm, Lotrisone), hydrocortison (Canesten HC). Clotrimazol được chỉ định để điều trị tại chỗ các bệnh nấm như: Bệnh nấm Candida ở miệng, họng; bệnh nấm da, bệnh nấm Candida ngoài da, nấm kẽ ngón tay, kẽ chân, cũng như bệnh nấm Candida ở âm hộ, âm đạo, lang ben do Malassezia furfur, viêm móng và quanh móng. Không dùng clotrimazol cho điều trị nhiễm nấm toàn thân. Không dùng clotrimazol đường miệng cho trẻ dưới 3 tuổi

– Chỉ định: Nhiễm nấm ở thân, nhiễm nấm ở bẹn, nhiễm nấm ở bàn tay, bàn chân, nhiễm vi nấm Candida ở da và lang ben.

– Cách dùng: Bôi thuốc ngày 1 lần tại các vùng bị nhiễm nấm Trị liệu nên được tiếp tục đủ thời gian, ít nhất là một vài ngày sau khi tất cả các triệu chứng biến mất.

– Thời gian điều trị thông thường:

Lang ben: 2-3 tuần.

Nhiễm nấm ở bẹn: 2-4 tuần.

Nhiễm nấm ở thân: 3-4 tuần.

Nhiễm nấm ở bàn chân: 4-6 tuần.

2. Cồn A.S.A, B.S.I

Cồn A.S.A (Thành phần: Acid acetylsalicylic, Natri salicylat, Ethanol 96%)

B.S.I (Thành phần: Benzoic acid, Salicylic acid, Iodide)

– Chỉ định: Điều trị nấm, hắc lào, lang ben, nấm kẽ.

– Cách dùng: Vệ sinh sạch vùng da bị bệnh. Bôi thuốc lên vùng da bị bệnh, ngày 2 lần sáng và tối.

– Tác dụng không mong muốn: đau, rát tại chỗ bôi thuốc, bong da do đó thuốc hiện nay ít được sử dụng.

Corticoid bôi ngoài da

Chỉ định

Các bệnh được chỉ định corticoid bôi ngoài là viêm da do các nguồn gốc khác nhau như eczema tiếp xúc, viêm da dị ứng, lichen (lở da)…Cũng có thể dùng để bôi vào các vết côn trùng cắn.

Tác dụng không mong muốn

Khi bôi thuốc trên diện rộng, kéo dài hoặc băng ép sau khi bôi thì khả năng thấm thuốc vào vòng tuần hoàn là rất lớn, gây tác dụng toàn thân; điều này cần đặc biệt lưu ý khi dùng thuốc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để tránh tác dụng kiểu cường thượng thận (Cushing), gây chậm lớn. Cũng có thể gặp suy thượng thận cấp sau khi ngừng bôi thuốc nhưng rất hiếm. Tác dụng phụ tại chỗ bao gồm:

– Teo da: thường gặp nhất khi bôi ở mặt và vùng quanh miệng.

– Da ửng đỏ hoặc có nhiều vết lằn, thường gặp ở thanh niên khi bôi thuốc ở vùng khuỷu tay, khuyủ chân.

– Mất sắc tố da từng phần, ban đỏ thứ phát sau teo da cũng gặp nhưng không phổ biến. – Chậm liền sẹo: trường hợp này hay gặp với các vết thương do nằm lâu hoặc vùng da cọ xát nhiều (khuỷu tay…).

– Trên mắt: gặp khi dùng các dạng thuốc nhỏ mắt có corticoid, gây đục thuỷ tinh thể, glaucom.

Chống chỉ định

– Viêm da do virus, nấm. Những trường hợp viêm da có nhiễm khuẩn thì phải phối hợp kháng sinh.

– Tổn thương có loét.

– Viêm da mặt có rối loạn vận mạch hoặc viêm nang lông (trứng cá).

Phân loại

– Loại rất mạnh và mạnh chỉ nên dùng trong thời gian ngắn và bôi ở diện hẹp với một số bệnh như sẹo lồi, vảy nến, lupus, lichen.

– Loại trung bình và yếu thích hợp với trẻ em cho các vùng da mặt hoặc cho người lớn trên những tổn thương rộng.

Các dạng thuốc bôi ngoài thường dùng:

– Thuốc mỡ (Ointment) là dạng thuốc có thể chất mềm; thành phần cấu tạo có nhiều tá dược thân dầu như vaselin, lanolin, mỡ, sáp…thích hợp với các loại da khô, sần sùi, sừng hoá.

– Dạng kem (cream) cũng có thể chất mềm, mịn với tá dược là các chất nhũ tương chứa một lượng chất lỏng đáng kể, thuận lợi với các tổn thương có dịch rỉ hoặc dùng để bôi vào các hốc sâu như âm đạo.

– Dạng gel có tá dược là các polymer thiên nhiên hoặc tổng hợp. Dạng này và các dạng lỏng khác như lotio, spray (thuốc xịt) thích hợp với các tổn thương ở vùng có nhiều lông như da dầu hoặc nếp gấp (nách, bẹn). Thành phần của tá dược ảnh hưởng nhiều đến sinh khả dụng của thuốc do ảnh hưởng đến tốc độ giải phóng và mức độ hấp thu thuốc qua da.

Cách dùng

– Bôi 1 – 2 lần/ ngày, xoa nhẹ đến khi thuốc thấm hết và nếu cần có thể băng ép.

– Việc băng kín sau khi bôi có ích với những tổn thương ở lòng bàn chân, tay với diện hẹp và cũng chỉ nên băng trong thời gian ngắn.

– Nếu điều trị kéo dài >8 ngày thì khi ngừng thuốc cũng phải giảm dần độ mạnh và nới rộng khoảng cách đưa thuốc để tránh phản ứng dội ngược làm bệnh bột phát nặng thêm.

– Cần căn dặn bệnh nhân không tự ý dùng lặp lại nếu không có ý kiến của bác sĩ điều trị. Bảng phân loại corticoid theo độ mạnh (bảng 3) là cơ sở cho lựa chọn thuốc.

Thuốc trị ghẻ

Cách dùng: Bôi thuốc lên vùng da bị ghẻ ngứa ngày từ 2 đến 3 lần, có thể bôi vào ban đêm trước khi đi ngủ, để nhanh đạt hiệu quả nên vệ sinh vùng da sạch sẽ và lau khô trước khi bôi thuốc.

Lưu ý: Tuyệt đối không để thuốc dinh vào mắt hoặc bôi thuốc vào bộ phận sinh dục

Nguồn tham khảo: Fanpage Cách dùng thuốc

5 những suy nghĩ trên “Thuốc chữa bệnh ngoài da

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Facebook
Chat Zalo
Hotline: 0973693967