Vai trò, nhu cầu Canxi với cơ thể

Vai trò của Canxi

Canxi kết hợp với phospho là thành phần cấu tạo cơ bản của xương và răng, làm cho xương và răng chắc khoẻ. Canxi còn cần cho quá trình hoạt động của thần kinh cơ, hoạt động của tim, chuyển hoá của thế bào và quá trình đông máu.

Canxi trong xương: Thành phần hoá học của xương là khoảng 25% nước, 20% protein, 5% lipit, một lượng nhỏ glycosaminoglycan và gần 50% là chất khoáng, trong đó hầu hết chất khoáng là muối canxi.

Canxi ngoài xương: Lượng canxi trong dịch ngoài tế bào và tổ chức mềm ở người bình thường không quá 10 g. Canxi ngoài xương cần thiết cho các hoạt động thần kinh cơ và quá trình đông máu

Nhu cầu Canxi của cơ thể

Nhu cầu canxi của cơ thể được xác định trong mối tương quan với Phospho: tỷ số Ca/P mong muốn tối thiểu là > 0,8 đối với mọi lứa tuổi, tốt nhất là 1-1,5, đặc biệt đối với trẻ em. Dưới đây là bảng Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về canxi (mg/ngày) theo tuổi, giới và tình trạng sinh lý

nhu cầu Canxi khuyến nghị

Ảnh hưởng của thiếu và thừa Canxi

Thiếu canxi

Thiếu canxi mạn tính có thể do lượng ăn vào không đủ hoặc do hấp thu từ đường ruột kém. Khi thiếu canxi mạn tính, canxi trong xương sẽ được huy động để duy trì nồng độ canxi trong máu, do đó ảnh hưởng đến sức khỏe của xương. Chính vì vậy thiếu hụt canxi mạn tính là một trong những nguyên nhân quan trọng của việc giảm khối lượng xương và loãng xương. Ảnh hưởng của của thiếu canxi bao gồm những dấu hiệu sau:
+ Thiếu xương (mật độ khoáng của xương thấp hơn bình thường)
+ Loãng xưỡng (mật độ xương rất thấp)
+ Tăng nguy cơ gãy xương
Thiếu canxi lâu dài trong khẩu phần có liên quan tới phát sinh bệnh cao huyết áp và ung thư ruột. Lượng canxi (dưới 600 mg/ngày) và áp lực máu có mối liên quan ngược chiều (khi lượng canxi giảm, tỉ lệ mắc bệnh cao huyến áp tăng).

Thừa canxi

Khi lượng canxi ăn vào dư thừa, canxi sẽ được bài tiết ra khỏi cơ thể, vì thế rất hiếm gặp các trường hợp thừa canxi trong máu hay tích trữ thừa trong mô do tiêu thụ quá nhiều canxi. Tuy nhiên khi dùng thuốc canxi liều cao, kéo dài có thể dẫn đến một số tác dụng phụ thường thấy như sau:
+ Sỏi thận
+ Tăng canxi huyết và suy thận
+ Giảm hấp thu các khoáng chất cần thiết khác như sắt, kẽm, magiê và phospho

Một số biện pháp phòng chống thiếu Canxi

+ Chế độ ăn đa dạng thực phẩm, sử dụng thực phẩm giàu canxi như  tôm, cua, cá, ốc, vừng, đậu nành, mộc nhĩ, rau ngót, các loại sữa và chế phẩm từ sữa… Sữa và chế phẩm từ sữa như sữa chua, pho mát là nguồn cung cấp protein, canxi, vitamin và các chất khoáng với chất lượng cao và dễ hấp thu. Sử dụng các thực phẩm có bổ sung canxi.

+ Thay đổi những thói quen ăn uống có lợi cho hấp thu canxi như cắt giảm cafe, rượu và muối vì những chất này thường kìm hãm khả năng hấp thu canxi.

+ Chế độ ăn cần đáp ứng đủ protein so với nhu cầu khuyến nghị. Nếu chế độ ăn có quá nhiều protein so với nhu cầu khuyến nghị sẽ làm cho cơ thể tăng nguy cơ thiếu canxi. Khẩu phần ăn có quá nhiều protein sẽ tăng đào thải canxi qua đường tiết niệu và làm tăng nguy cơ sỏi thận.

+ Mỗi ngày nên dành ít nhất 10 đến 20 phút để tắm nắng vào buổi sáng (vào 9h – 9h30 sáng mỗi ngày) để giúp cơ thể hấp thụ được nhiều Vitamin D qua da, đồng thời khẩu phần ăn có đủ dầu mỡ để Vitamin D được hấp thu qua đường tiêu hóa tốt hơn.

+ Tuyệt đối không nên nhịn đói để phophate trong cơ thể không bị giảm, gây hạ canxi.

+ Chỉ nên dùng viên canxi bổ sung khi có chỉ định của bác sĩ.

+ Chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày để tăng cường sức khỏe

Nguồn: Viện Dinh dưỡng quốc gia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Facebook
Chat Zalo
Hotline: 0973693967