VIÊM KHỚP – ARTHRITIS

viêm khớp arthritis

Viêm khớp là một bệnh lý mạn tính của khớp có đặc tính là viêm và đau. Hậu quả là làm hạn chế hoặc mất cử động của khớp. Viêm khớp có rất nhiều dạng, thường gặp nhất là thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thống phong (Gout). Tuy nhiên các dạng viêm khớp đều có các triệu chứng chung là: sưng, nóng, đỏ, đau. Nếu các triệu chứng trên kéo dài trên 2 tuần, nhiều khả năng bệnh nhân bị viêm khớp. Trường hợp này tốt nhất là đưa bệnh nhân đến bác sỹ chuyên khoa, như bác sỹ chấn thương chỉnh hình, bác sỹ chuyên về thấp khớp.

Lời khuyên cho bệnh nhân

Tập thể dục đều đặn để duy trì hoạt động linh hoạt của khớp, giúp các cơ và khớp khỏe hơn. Bơi lội là môn vận động tốt vì ít gây áp lực lên các khớp nhất. Bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sỹ để chọn bài tập phù hợp nhất. Bất cứ bài tập nào không gây đau sưng nhiều hơn đều có thể làm giảm triệu chứng viêm khớp

+ bài tập có động tác uyển chuyển như khiêu vũ giúp duy trì cử động bình thường của khớp, giảm cứng khớp, cải thiện sự linh hoạt
+ bài tập tăng cường sức mạnh như cử tạ, giúp giữ hoặc tăng cường sức mạnh của các cơ. Cơ có thể chống đỡ, bảo vệ các khớp bị viêm. Chú ý tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc chuyên gia cử tạ
+ thể dục nhịp điệu, bài tập dẻo dai như đạp xe đạp giúp giảm sưng các khớp. Chúng cũng tốt cho tim mạch, giảm cân, và cải thiện chức năng toàn thân

Học cách vận động đúng tư thế. Nguyên nhân thông thường nhất gây viêm khớp là sự hao mòn khớp. Đây là hậu quả do các hoạt động không đúng tư thế thường ngày gây ra như nâng vật nặng, đi lại, chạy bộ… Tránh làm căng các khớp quan trọng khi thực hiện các động tác này. Nên thư giãn khớp sau khi chạy bộ đường dài hoặc các bài tập cường độ cao…

Nghỉ ngơi: Viêm khớp gây mệt mỏi, gây khó khăn khi thực hiện các công việc hàng ngày. Tranh thủ chợp mắt giúp khớp bị viêm cũng như cơ thể được nghỉ ngơi

Ăn chế độ cân bằng. Một nguyên nhân của bệnh viêm khớp là do acid uric, đặc biệt là bệnh Gout. Tránh các thức ăn giàu purin như bia, đồ uống có cồn, cá mòi, cá trích, trứng cá, men bia, nội tạng động vật, nước thịt, nấm, rau bina, măng tây, bông cải…để tránh gây ứ đọng acid uric ở khớp
+ nho đen có nhiều chất chống oxi hóa giúp làm giảm acid uric, giảm viêm
+ acid béo omega-3 trong dầu cá, dầu oliu, dầu lanh, các loại hạt giúp giảm viêm
+ uống đủ nước và chất lỏng ( khoảng 2l /ngày) giúp hòa tan acid uric trong máu, ngăn ngừa sự hình thành các tinh thể acid uric trong khớp

Duy trì cân nặng bình thường. Thừa cân làm tăng sức ép lên các khớp, tăng nguy cơ đau khớp gối, khớp hông, đau lưng

Chườm nóng có thể làm giảm cứng khớp, trong khi chườm lạnh có thể làm tê vùng tổn thương. Tắm nước nóng vòi hoa sen có thể giảm bớt căng cơ, làm dịu cơn đau

Các lựa chọn điều trị

Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): được dùng rộng rãi để giảm sưng và dau ở các khớp bị viêm. Các thuốc này có tác dụng ngoại ý như ù tai, kích ứng dạ dày và gây loét. Không dùng NSAIDs cho người bị loét dạ dày, khó tiêu hoặc các rối loạn tiêu hóa khác, người bị hen suyễn, bệnh thận và mất nước. Thận trọng khi dùng salicylate ở trẻ dưới 19 tuổi do có nguy cơ bị hội chứng Reye có thể gây tử vong

Thuốc ức chế cyclooxygenase chọn lọc (COX-2) được dùng điều trị các rối loạn cơ xương khớp. Các thuốc này được chỉ định cho bệnh nhân có nguy cơ cao tiến triển bệnh đường tiêu hóa nếu dùng NSAIDs không chọn lọc và bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ về tim mạch

Thuốc tác động lên hệ cơ xương
– Glucosamin (chiết xuất từ chitin hoặc được tổng hợp) và chondroitin điều trị các rối loạn về khớp. Natri hyaluronate tiêm nội khớp trong điều trị viêm khớp gối. Người nhạy cảm với hải sản không nên dùng glucosamin. Có thể uống sản phẩm bổ sung glucosamin như Formex, VsublimJONT
– Diacerin ức chế interleukin-1 β có vai trò trong quá trình viêm. Thuốc dùng đường uống cải thiện ổn định cơn đau

Thuốc chống thấp khớp cải thiện bệnh (DMARD): làm giảm hoặc ngăn sự phá hủy khớp, bảo vệ tính toàn vẹn và chức năng của khớp. Bệnh nhân cần điều trị trong vòng 3 tháng đầu khi triệu chứng khởi phát
– DMARD tổng hợp kinh điển: methotrexate, hydroxychloroquin, chloroquin, hợp chất vàng, sulfasalazine, leflunomide, penicillamine
– DMARD tổng hợp nhắm đích: tofacitinib
– DMARD sinh học: tocilizumab, rituximab, adalimumab, infliximab, golimumab, etanercept, abatacept, anakinra, certolizumab pegol

Thuốc giảm đau (không có chất gây nghiện): có thể được dùng tại chỗ dưới dạng xoa bóp như methylsalicylate, glycolsalicylate (kết hợp với menthol, eucalyptol, camphor)

Thuốc giảm đau có chất gây nghiện: như codein, tramadol, hydrocodone, fentanyl hoặc morphin. Các thuốc này được dùng một mình hoặc phối hợp thuốc giảm đau khác ở những bệnh nhân đau nặng, một số bệnh nhân chọn lọc

Các hormon corticosteroid: như dexamethasone, betamethasone, methylprednisolone, prednisolone, prednisone, triamcinolone. Thuốc có hiệu quả điều trị ngắn hạn tình trạng viêm các khớp, thường dùng trong đợt viêm cấp xảy ra ở nhiều khớp

Thuốc trị tăng acid uric máu và Gout: colchicin, allopurinol, febuxostat, probenecid, pegloticase

Thuốc ức chế miễn dịch: azathioprine, cyclosporin có hiệu quả trong điều trị viêm khớp nặng

Điều trị hỗ trợ: liệu pháp xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu, dầu hương thảo, cúc vạn thọ, oải hương, giấm táo, mật ong, dầu gan cá thu, dầu cá, lotion ớt Cayen

 

Nguồn: MIMS Pharmacy Vietnam 2016/2017

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Facebook
Chat Zalo
Hotline: 0973693967