Bổ sung canxi trong thai kỳ: Nhu cầu bao nhiêu?

bổ sung canxi trong thai kỳ

Canxi là khoáng chất có hàm lượng lớn nhất trong cơ thể con người, tập trung chủ yếu ở xương và răng. Canxi giữ vai trò thiết yếu đối với nhiều hoạt động của cơ thể như tạo xương, co cơ, cũng như tham gia điều hòa hoạt động chức năng enzyme và nội tiết (1). Việc bổ sung canxi trong thai kỳ giữ vai trò rất quan trọng với sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Hằng ngày, cơ thể nhận được canxi từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau, bao gồm thực phẩm, chế phẩm bổ sung hoặc thuốc điều trị chứng ợ nóng, khó tiêu có thành phần canxi (1). Trong thực phẩm, canxi được tìm thấy chủ yếu từ sữa và các chế phẩm từ sữa. Canxi bổ sung được bào chế dưới nhiều dạng hợp chất với các muối vô cơ (như canxi carbonat, canxi photphat) hoặc muối hữu cơ (như canxi citrat, canxi gluconat, canxi lactat, …)

Nhu cầu bổ sung canxi trong thai kỳ

Thai nhi có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong suốt cuộc đời. Thông thường, bào thai tích lũy khoảng 30g canxi trong toàn bộ thai kỳ, điều này có nghĩa là người mẹ cần phải chuyển sang thai nhi 200mg canxi trung bình mỗi ngày và có thể lên đến 330mg/ngày ở tuần 35 thai kỳ. (2)

Dữ liệu nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang thai có tình trạng giảm đáng kể đến 3.6% mật độ khoáng xương (BMD) toàn bộ và hơn 5% (thậm chí có thể lên đến 7%) BMD tại các vị trí trọng yếu của bộ xương (cột sống, xương hông, cổ xương đùi,…), đặc biệt trong tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ, do sự gia tăng canxi huy động từ mẹ sang thai nhi. Tỷ lệ mất xương trong thai kỳ lớn hơn tỷ lệ mất xương hàng năm ở phụ nữ mãn kinh.(3)

Trong thời gian mang thai, có sự gia tăng hấp thu canxi để đáp ứng nhu cầu của cơ thể và sự phát triển của thai nhi. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO), nhu cầu canxi trong thai kỳ bình thường là 1,200 mg/ngày. Tuy nhiên, nếu cung cấp canxi không đầy đủ theo nhu cầu khuyến nghị trong thai kỳ, nhiều hậu quả bất lợi có thể sẽ xảy ra cho cả tình trạng sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.(1)

Bổ sung canxi được ghi nhận có vai trò quan trọng trong việc làm giảm biến chứng thai kỳ, đặc biệt là làm giảm nguy cơ rối loạn huyết áp trong thai kỳ, góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong của mẹ và con trong giai đoạn chu sinh và sơ sinh.(1,4-6). Do đó, WHO khuyến cáo việc bổ sung canxi trong thai kỳ được xem là một trong những chiến lược y tế cộng đồng góp phần đạt Mục tiêu Thiên niên kỷ và mục tiêu toàn cầu trong kế hoạch chăm sóc dinh dưỡng toàn diện cho bà mẹ và trẻ em.(1)

Theo WHO, canxi bổ sung cần được sử dụng cho phụ nữ mang thai có lượng canxi thấp trong khẩu phần ăn hàng ngày – được xác định dựa vào khu vực địa lý nơi sinh sống không có sẵn thực phẩm giàu canxi. Cần lưu ý là tổng lượng canxi cung cấp hàng ngày phải tính luôn cả lượng canxi có trong thành phần của các dạng bổ sung vitamin và khoáng chất khác nhau nếu có và không vượt quá mức khuyến cáo tại địa phương.

Tác động của việc bổ sung canxi trong thai kỳ

Nhiều nghiên cứu đánh giá tác động của việc sử dụng canxi bổ sung trong thai kỳ trong việc cải thiện sức khỏe xương cho phụ nữ có thai. Kết quả của 2 nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng đã cho thấy bổ sung canxi liều < 1,000mg/ngày giúp làm tăng chất lượng khoáng xương cho bà mẹ (Bảng 1).(2,6)

Việc bổ sung canxi trong thai kỳ cũng được ghi nhận có lợi ích trên sự phát triển xương dài của trẻ sơ sinh (Bảng 1).(2)

tác động của bổ sung canxi trong thai kỳ

Bổ sung canxi trong thai kỳ được xem là một trong những chiến lược y tế cộng đồng góp phần đạt Mục tiêu Thiên niên kỷ và mục tiêu toàn cầu trong kế hoạch chăm sóc dinh dưỡng toàn diện cho bà mẹ và trẻ em

Xem chi tiết tại đây: https://drive.google.com/file/d/1slkQrOlo_4Cyp1Z4KqGop4Yw-8W-RN0t/view?usp=sharing

Tài liệu tham khảo:
1. WHO. Guideline: Calcium supplementation in pregnant women. Geneva, World Health Organization, 2013;
2. Flávia Fioruci Bezerra and Carmen Marino Donangelo. Chapter 29. In: Food and Nutritional Components in Focus No. 10; 2016. p. 484 – 508;
3. Thomas M et al. American Journal of Obstetrics and Gynecology (2006) 194, 937–45;
4. Imdad et al. BMC Public Health 2011, 11 (Suppl 3):S18;
5. Imdad et al. Paediatric and Perinatal Epidemiology, 2012, 26 (Suppl. 1), 138–152;
6. Hofmeyr GJ et al. BJOG 2014;121:951–957;
7. Hofmeyr GJ et al. Cochrane Database of Systematic Reviews 2014, Issue 6. Art. No.: CD001059. DOI: 10.1002/14651858.CD001059.pub4;
8. David I. Levenson and Richard S. Bockman. Nutrition Reviews, Vol. 52, No. 7: 221–32;
9. Yotsanan Weerapol et al. Silpakorn U Science & Tech J 2010; Vol.4 (1): 15-23;
10. Deborah A. Straub. Nutr Clin Pract 2007 22: 286.

Nguồn: mims.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Facebook
Chat Zalo
Hotline: 0973693967